Nghệ nhân Nguyễn Văn Kiến

Từ những nguyên liệu thô ráp và đơn giản như chiếc sừng trâu, sừng bò, qua bàn tay của người thợ ở làng Sừng – làng Thụy Ứng (huyện Thường Tín – Hà Nội) đã trở thành những sản phẩm tinh xảo, hấp dẫn đối với khách phương xa, thể hiện tài năng khéo léo của người thợ ở một vùng quê.


Dù năm nay đã ở tuổi ngoại thất tuần, song nghệ nhân Nguyễn Văn Kiến vẫn ngày ngày dành đam mê với sừng mỹ nghệ, tìm tòi những tác phẩm tinh xảo hơn . 

Dọc theo những ngôi nhà trên trục đường chính của làng chúng tôi vẫn thấy nét đặc trưng truyền thống của làng nghề này, với những cặp sừng mỹ nghệ vươn lên ngạo nghễ, những con rồng, phượng, rùa, khung tranh ảnh, lược, móc khóa, trâm cài tóc và rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác được trưng bày. Tất cả đã cho thấy sự phát triển của các sản phẩm mỹ nghệ từ sừng ở vùng quê này.

Người dân làng Sừng có nghề làm sừng từ hơn 400 năm qua. Theo người cao tuổi ở đây cho biết thì vào khoảng thế kỷ XVI, cụ tổ nghề là một người thợ thủ công của làng.

Ở tuổi 76, ông Nguyễn Văn Kiến hiện là một trong những nghệ nhân giàu kinh nghiệm nhất làng Sừng. Ông Kiến làm nghề từ năm 13 tuổi, bắt đầu từ làm chiếc lược sừng. Tuy nhiên, ông Kiến không chỉ dừng lại ở việc làm các sản phẩm đơn giản như lược sừng, mà ông còn tìm tòi, và học hỏi để làm các sản phẩm tinh xảo hơn. Tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nghề.


Sản phẩm sừng mỹ nghệ được bày bán, trưng bày tại nhiều thành phố lớn, góp phẩn quảng bá tài hoa người thợ làng Sừng

Làm sản phẩm sừng mỹ nghệ rất khó, bởi mỗi chiếc sừng đều khác nhau, không cái nào giống cái nào, người thợ phải tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, cắt, uốn... Để làm hoàn thiện những đồ đơn giản như chiếc lược sừng cũng đã tốn công. Mua sừng về rồi người thợ sẽ cắt tạo phôi, hơ ép thành khuôn... rồi mới cắt răng, chà và đánh bóng. Còn đối với những sản phẩm sừng mỹ nghệ càng đòi hỏi nhiều công đoạn, và cả sự tinh tế về mỹ thuật và tạo hình. Ví dụ để làm hoàn thiện một con rồng phải qua mấy chục công đoạn, từ cưa thành phôi, mài, đục, đến uốn sản phẩm, sau đó là tạo dáng sản phẩm và đục chi tiết trên sản phẩm sao cho tinh xảo...

Một số tác phẩm, ông Kiến phải miệt mài hàng tháng mới xong. Có cái sừng phải uốn cả chục lần chỉ để vừa ý, và khó nhất là lúc tạo dáng sản phẩm. Song kỹ thuật cộng với trí tưởng tượng phong phú và sự khéo tay của người thợ vẫn có thể tạo ra những sản phẩm có độ tinh xảo cao.

Các sản phẩm của làng nghề sừng Thụy Ứng hiện được bán khắp nơi trong nước, nhất là trong các siêu thị, các cửa hàng mỹ nghệ lưu niệm tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ðặc biệt, các mặt hàng sừng mỹ nghệ có thế mạnh trong xuất khẩu và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam.

Đến nay, sản phẩm nổi tiếng nhất của làng Sừng là những cặp sừng mỹ nghệ vút cong ngạo nghễ, uy nghi được trưng bày trong những khu du lịch hay trong gia đình, hay những sản phẩm có hình tượng mô phỏng rồng, phượng với độ sáng tạo cao, được khách hàng từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... rất thích thú và thậm chí khách hàng phương Tây cũng ưa chuộng, do được chế tác hoàn toàn thủ công mà vẫn tinh xảo.

Những sản phẩm mỹ nghệ từ sừng nhỏ bé đã chinh phục được thị trường trong nước và những thị trường lớn trên thế giới. Âu đó cũng là niềm vui đối với những người dân làng Sừng, bởi tài hoa của ông cha và của cả thế hệ người làng Sừng hôm nay đã đem lại cho họ cuộc sống no đủ, khấm khá.

 

Nguồn: langvietonline.vn
Tác giả: thieuvv

Tin liên quan