Phát triển du lịch làng nghề truyền thống Thủ đô

(Chinhphu.vn) - Với hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống cùng khối di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, Hà Nội có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng bậc nhất cả nước. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch làng nghề đã và đang được Thành phố chú trọng.



Sản Phẩm Sừng Thụy Ứng  - Xã Hòa Bình - Huyện Thường Tín

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2019, ước tính Hà Nội đón gần 7,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ước đạt gần 1,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 15,5%; lượng khách du lịch nội địa ước đạt gần 5,6 triệu lượt, tăng 9%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 26.954 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu vui cho phát triển du lịch Thủ đô nói chung và du lịch làng nghề nói riêng.

Vùng đất “trăm nghề” Hà Tây hợp nhất với Hà Nội giúp Thủ đô có tổng cộng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 297 làng nghề đã được UBND TP. Hà Nội công nhận. Mỗi làng nghề có nét độc đáo riêng với đa dạng sản phẩm, mẫu mã. Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội đã được xuất khẩu như: Gốm Bát Tràng, dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)…

Để phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch; trong đó hai cơ sở tiên phong là làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng. Hằng năm, Thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi... UBND Thành phố cũng hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng bãi đỗ xe…

Điển hình, tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), cũng đã có những động thái để biến nơi đây trở thành làng văn hóa, làng nghề du lịch tiêu biểu, trong đó làng lụa là một trong rất ít nơi có hẳn một khu trải nghiệm đầy đủ các công đoạn cho ra đời một sản phẩm thủ công hoàn thiện. Hiện làng dệt lụa Vạn Phúc đón từ 5.000 đến 7.000 khách tới giao dịch, tham quan mỗi tháng.

Ngoài Vạn Phúc, các làng nghề thủ công truyền thống thường thu hút nhiều khách du lịch phải kể đến làng gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông… Trong đó, làng gốm sứ Bát Tràng đón hàng triệu khách mỗi năm. Du khách tìm đến với làng nghề Hà Nội không chỉ bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, mang đậm tính dân tộc mà còn bởi cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất.

Tuy nhiên, hoạt động của các làng nghề vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm nguồn ra còn gặp khó khăn. Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch còn yếu. Sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, thiếu tính hấp dẫn, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Người dân địa phương tại làng thiếu những kiến thức chung về văn hóa, nghiệp vụ du lịch, khả năng giao tiếp với du khách nên không thể giới thiệu, bán sản phẩm hiệu quả…

Cần tăng cường kết nối

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội đầu năm 2019 cho thấy, khách nước ngoài chỉ chi trung bình 113,5 USD/ngày, trong đó có khoảng 35 USD dành cho mua sắm khi ở Hà Nội. So với các thủ đô khác trong khu vực Đông Nam Á, mức này là quá thấp. Chính vì vậy, thúc đẩy, hoàn thiện nhanh chóng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực mới có thể giúp du lịch văn hóa, làng nghề ở Hà Nội chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tăng mức chi bình quân của khách du lịch đến Hà Nội.

Để khắc phục bất cập trong phát triển du lịch làng nghề truyền thống, theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường kết nối doanh nghiệp. Chỉ có giải pháp này mới giải quyết được thách thức về việc cân đối giữa sự phát triển kinh tế làng nghề mà vẫn giữ gìn được nét truyền thống.

Đây cũng là giải pháp hỗ trợ hiệu quả việc làm du lịch chuyên nghiệp. Doanh nghiệp chính là đơn vị nắm được nhu cầu, sở thích, thói quen mua sắm của khách, từ đó tư vấn, hỗ trợ đào tạo nhân công làng nghề trong công tác tiếp cận mua bán, quảng bá sản phẩm, có sự đầu tư, hỗ trợ các hộ gia đình làng nghề đổi mới theo mô hình phù hợp để phát triển du lịch.

Ông Hải cũng cho biết, Sở đã có kế hoạch mỗi địa phương lựa chọn phát triển từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc thù, trên cơ sở các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, danh lam, thắng cảnh nổi trội của các quận, huyện, thị xã.

Một trong các giải pháp khác được đặt ra là tại các di tích văn hóa, làng nghề cần đa dạng hóa các hoạt động, trong đó chú trọng đến trình diễn các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống để thu hút du khách. Điều này sẽ tác động mạnh đến hình ảnh của các di tích văn hóa, làng nghề.

Diệu Anh
Tác giả: thieuvv