Thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội: Hình thành chuẩn mực văn hóa tốt đẹp
(HNM) - Sau hơn 3 năm thực hiện, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã từng bước góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa tốt đẹp nơi công sở. Đây là khẳng định từ kết quả đợt khảo sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức gần đây.
Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội tại Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai).
Chuyển biến rõ nét
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình, 2 quy tắc ứng xử đã đi vào cuộc sống. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị về thực hiện nhiệm vụ được giao; sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Thái độ của cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa” UBND các xã, phường, thị trấn có sự thay đổi rõ rệt.
“Khảo sát tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) và xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) trước đây ghi nhận còn sai sót, thì nay đã chuyển biến tích cực. Cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm hơn với công việc. Phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người dân đều có nhận xét tích cực, mức độ hài lòng đạt trên 97%”, ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố cũng đã chủ động, nghiêm túc triển khai 2 quy tắc ứng xử của thành phố; xây dựng nhiều mô hình thiết thực, lồng ghép thực hiện quy tắc ứng xử với các phong trào thi đua. Đơn cử, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã sáng tạo, cụ thể hóa việc thực hiện quy tắc ứng xử thông qua phát động và triển khai cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Hội Nông dân thành phố, Thành đoàn Hà Nội quán triệt đoàn viên, hội viên các nội dung quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa và môi trường văn hóa.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng chương trình phối hợp truyền thông trong các trường học trên địa bàn thành phố về văn hóa ứng xử nơi công cộng cho học sinh, sinh viên Thủ đô; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính, Công an thành phố triển khai “Đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh về giao thông”; tổ chức tọa đàm “Cán bộ, công chức trẻ Thủ đô bản lĩnh, liêm khiết, trách nhiệm vì nhân dân phục vụ”…
Nói về việc thực hiện các quy tắc ứng xử, bà Nguyễn Thị Huệ (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) cho biết, khi đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của UBND xã Di Trạch, cán bộ tiếp đón niềm nở, hướng dẫn các thủ tục tận tình. Còn ông Phạm Duy Tân (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) nhận xét, người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” đều thấy sự thân thiện của cán bộ, nếu thiếu thủ tục thì được hướng dẫn chu đáo...
Xây dựng mô hình tuyên truyền hiệu quả
Dù ghi nhận có chuyển biến tích cực, nhưng qua đợt khảo sát, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục. Chẳng hạn, tại phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), thiết bị nhập dữ liệu dịch vụ công trực tuyến để người dân tự thực hiện và màn hình tra cứu trạng thái hồ sơ đều hỏng, không thể sử dụng; UBND phường không niêm yết lịch tiếp công dân, quy tắc ứng xử nơi công cộng niêm yết chiếu lệ, khó nhìn. Trong khi đó, bộ phận “một cửa” UBND xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) còn thiếu người trực...
Khảo sát tại nơi công cộng, Thường trực HĐND thành phố cũng ghi nhận nhiều đơn vị làm chưa tốt. Điển hình, Trung tâm Thương mại chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai) không niêm yết quy tắc ứng xử nơi công cộng...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho rằng, do chưa có chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm, nên tính răn đe chưa cao, vẫn chỉ dừng ở việc vận động nhắc nhở, định hướng thái độ, hành vi ứng xử. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ở một số đơn vị chưa sinh động, còn hình thức, mang tính chất đối phó. Vì thế, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử; tham mưu với UBND thành phố tăng cường chỉ đạo và đôn đốc các địa phương xây dựng mô hình tuyên truyền phù hợp, hiệu quả...
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, ngoài tổ chức kiểm tra việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần tham mưu xây dựng các chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm gắn với các quy định cụ thể. “Để triển khai các quy tắc ứng xử có chiều sâu, hiệu quả hơn nữa, cần nỗ lực chung của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động tại cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học, các khu dân cư và ở những nơi công cộng. Thời gian tới, HĐND thành phố tiếp tục giám sát, khảo sát nội dung này”, bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Nhóm tin
Video
Tin nổi bật
- XÃ HÒA BÌNH TỔ CHỨC THÀNH CÔNG DIỄN TẬP CHIẾN ĐẤU PHÒNG THỦ NĂM 2020 12/10/2020
- THƯỜNG TÍN GIÀNH GIẢI NHẤT CHUNG KHẢO HỘI THI THIẾU NHI TUYÊN TRUYỀN, GIỚI THIỆU SÁCH HÈ THÀNH PHỐ 12/10/2020
- Xã Hòa Bình nỗ lực về đích nông thôn mới trong năm 2019 12/10/2020
- Bế mạc Hội thao Quốc phòng lực lượng Dân quân tự vệ huyện Thường Tín năm 2020 12/10/2020
- Thường Tín tổ chức thành công Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị lực lượng dân quân tự vệ năm 2020 12/10/2020
- Nghệ nhân nguyễn văn Sử 13/10/2020
- Nghệ nhân Nguyễn Văn Kiến 13/10/2020
- Phát triển du lịch làng nghề truyền thống Thủ đô 13/10/2020
Tin liên quan
- Thường Tín Khai mạc giải Bóng đá Mini phong trào lần thứ III (Ngày 13/10/2020)
- Phát động tháng cao điểm ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” năm 2020 (Ngày 13/10/2020)